“Sống khỏe” với phong cách nội thất Organic

Ngày nay, trào lưu Organic (hữu cơ) không chỉ phổ biến trong ngành thực phẩm mà còn là xu hướng kiến trúc, nội thất ấn tượng, gần gũi với tự nhiên. Organic được đánh giá là một phong cách nghệ thuật trong thiết kế nội thất, được nhiều kiến trúc sư ưa chuộng.

Vậy phong cách Organic là gì? Những đặc trưng cơ bản? Ứng dụng thực tế ra sao? Trong phạm vi bài viết dưới đây, 9Home cung cấp tới độc giả những kiến thức cơ bản nhất về phong cách nội thất này.

Phong cách Organic là gì?

Trước hết, Organic Design (thiết kế hữu cơ) là sự tổng hòa giữa nơi ở của con người với thiên nhiên. Sự kết hợp giữa hình dạng, kết cấu, màu sắc và môi trường xung quanh tạo thành một thể thống nhất. Thiết kế Organic lấy cảm hứng từ đường cong trong tự nhiên hoặc hình dạng tự do, gần gũi trong cuộc sống (đường nét cơ thể người, động – thực vật…). Organic Design ngày nay được nâng lên tầm cao mới nhờ công nghệ in 3D. Những vấn đề về môi trường, sinh thái rất được quan tâm, chú trọng trong thiết kế hữu cơ.

Một trong những công trình kiến trúc độc đáo được thiết kế theo phong cách Organic.
cây cầu độc đáo
Những chi tiết uốn lượn nhẹ nhàng, khó nắm bắt được đâu là điểm dừng tạo sự hòa hợp tự nhiên giữa cây cầu với cảnh quan môi trường xung quanh.

Thuật ngữ Organic Architecture (kiến trúc hữu cơ) ra đời vào thế kỷ XX và trở nên thịnh hành từ nửa sau thế kỷ này. Kiến trúc sư sử dụng hình thức mới của bê tông tạo ra các đường lượn sóng, vòm cong tự nhiên thay cho hệ dầm, cột trụ hình học cứng nhắc. Kiến trúc Organic đặc biệt tôn trọng người dùng. Vì thế, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ thì công năng sử dụng thực tế được chú trọng triệt để.

Không gian bên trong một khu nghỉ dưỡng mang đậm phong cách hữu cơ. Hệ cửa vòm duyên dáng mang đến tầm nhìn thoáng đẹp ra cảnh quan thiên nhiên xanh mát bên ngoài.

Từ nửa sau thế kỷ XX, phong cách Organic bắt đầu được ứng dụng mạnh mẽ trong thiết kế nội thất, trở thành trào lưu được ưa chuộng tại các nước phương Tây. Phong cách này phù hợp với những ngôi nhà, căn hộ được thiết kế với mục đích có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Nội thất Organic cũng chú trọng tới vấn đề tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên… mang dến cho người dùng cảm giác thoải mái, dễ chịu, gần gũi với thiên nhiên.

Những đặc trưng của phong cách nội thất Organic

Phong cách Organic trong thiết kế nội thất bao gồm những đặc trưng cơ bản sau đây:

CHUỘNG NHỮNG ĐƯỜNG CONG “GỢI CẢM”

Những đường cong uốn lượn miên man như mê cung, khó đoán biết được đâu là điểm đầu, đâu là điểm cuối tạo nên dấu ấn đặc biệt cho phong cách nội thất hữu cơ. Đây cũng là đặc điểm nổi bật nhất để bạn dễ dàng nhận ra phong cách này. Đường cong thường xuất hiện trên ghế sofa, ghế tựa, tủ trang trí, đèn chùm, khung cửa… mang đến cho không gian sống vẻ đẹp vừa nhẹ nhàng, vừa quyến rũ, tạo điểm nhấn cực hút mắt.

Tùy nhu cầu sử dụng cũng như sở thích của gia chủ, đường cong nội thất được biến đổi linh hoạt với nhiều kích thước khác nhau. Sự biến tấu này chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của nội thất Organic so với các phong cách khác.

“Go Chair” được xem là một trong những tác phẩm đại diện cho thiết kế nội thất hữu cơ. Với hình dáng mô phỏng theo đường cong của hộp sọ cá sấu, mẫu ghế gây ấn tượng với người ngắm ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ghế “Lovegrove” tông màu đỏ đô ấm áp được thiết kế bởi Verner Panton. Món nội thất phong cách Organic biểu thị cho sự hồi sinh của bầu không khí các câu lạc bộ trẻ những năm 1970 trên thế giới.

HÌNH KHỐI BẤT ĐỊNH

Bên cạnh đường cong quyến rũ, hình khối độc đáo cũng là một trong những đặc điểm riêng biệt của phong cách Organic. Thông thường, hình khối trong nội thất hữu cơ mang tính tạo hình, mô phỏng cao, mang đến cho người ngắm nhiều liên tưởng thú vị. Tuy được biến đổi linh hoạt với kết cấu đa dạng nhưng hình khối nội thất vẫn đảm bảo phù hợp với cấu trúc không gian tổng thể.

Đồ dùng nội thất theo phong cách này thường được bài trí một cách ngẫu hứng, chủ yếu theo sở thích của gia chủ. Mặt khác, sự hòa quyện ăn ý giữa đường cong quyến rũ với hình khối bất định tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian sống, khiến nó trở nên khác biệt so với các kiểu nội thất thông dụng khác, mang lại những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Không gian sống sang trọng với nội thất cao cấp, hình khối đa dạng và những đường cong quyến rũ trong biệt thự phong cách Organic.

MÀU SẮC ĐA DẠNG, PHỐI KẾT TÁO BẠO

Phong cách hữu cơ trong thiết kế nội thất lấy cảm hứng bất tận từ thiên nhiên nên bảng màu được sử dụng cũng rất phong phú, đa dạng và phụ thuộc phần lớn vào tính cách của gia chủ. Với những người cá tính mạnh, họ sẽ chuộng các tông màu rực rỡ, màu nóng, ấn tượng như đỏ, cam, tím, vàng đậm, nâu đậm… hoặc màu lạnh, đơn sắc như đen, trắng, ghi, xám. Trong khi đó, những tông màu trang nhã, gần gũi với thiên nhiên như xanh lá, xanh dương, màu be, kem… là lựa chọn phù hợp với chủ nhân chuộng sự nhẹ nhàng, nhã nhặn.

Mẫu phòng ngủ phong cách hữu cơ đơn giản, ngập tràn ánh sáng tự nhiên với sự kết hợp đầy ngẫu hứng giữa các tông màu trắng – xám – xanh than – đen – màu gỗ.

Trong phong cách Organic, cách phối màu nội thất không tuân theo nguyên tắc hay quy ước nào mà rất ngẫu hứng, sáng tạo. Tuy nhiên, với sự lên ngôi của xu hướng thiết kế nội thất tối giản, phong cách Organic cũng chuộng những tông màu trung tính, nhẹ nhàng, có nguồn gốc tự nhiên, tạo cảm giác mới mẻ và tràn đầy sức sống.

Thực tế cho thấy, để kiến tạo không gian sống gần gũi, thân thiện với môi trường, nhiều người thường chọn giường ngủ, ghế sofa, tủ bếp… tông màu nâu gỗ tự nhiên, phối kết hài hòa với một số vật dụng, phụ kiện màu sắc nổi bật để tạo điểm nhấn.

Sắc màu nổi bật từ gối tựa sofa, chăn mỏng, tranh treo tường, bình hoa mang đến nguồn năng lượng tươi mới cho không gian tiếp khách. Những khung cửa hình vòm cao kịch trần giúp đón sáng tự nhiên và tạo sự thông thoáng cho căn phòng.

CHUỘNG ĐỒ NỘI THẤT BẰNG GỖ TỰ NHIÊN

Gỗ tự nhiên luôn là vật liệu được ưa chuộng trong nhiều phong cách nội thất khác nhau, đặc biệt là phong cách Organic bởi tính chất hữu cơ và gần gũi với thiên nhiên. Gia chủ thường lựa chọn đồ nội thất làm bằng gỗ được giữ màu nguyên thủy với những thớ gỗ xù xì, thô mộc hoặc những đường vân đẹp mắt. Chất liệu gỗ trong thiết kế nội thất Organic luôn mang đến cho gia chủ không gian sống vừa ấm áp, gần gũi vừa độc đáo và tự nhiên hết sức có thể.

Ngoài chất liệu gỗ chủ đạo, phong cách nội thất này còn sử dụng những vật liệu dễ chạm trổ, đẽo gọt, uốn cong, kéo sợi, nung chảy, đổ khuôn như xi măng, đất sét, thạch cao, vải/da, kim loại…

Phong cách Organic chuộng chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt là gỗ. Trong ảnh: giường ngủ, sàn, khung cửa hình vòm đều được làm từ gỗ còn giữ nguyên đường vân.

Thực tế cho thấy, nội thất Organic được ứng dụng phổ biến trong các công trình như khách sạn, văn phòng, bảo tàng, quán cà phê… Điểm chung của những công trình này là tích hợp được vị trí, cấu trúc tòa nhà, nội thất và môi trường xung quanh thành một thực thể thống nhất, liên quan mật thiết, qua đó kết nối một cách tự nhiên nhất giữa cuộc sống con người với thiên nhiên.

Không gian bên trong một quán bar được bài trí ấn tượng với sắc tím oải hương chủ đạo.
Ứng dụng thiết kế nội thất hữu cơ trong một văn phòng hiện đại.

Phong cách Organic trong thiết kế nội thất không được áp dụng đại trà vì kinh phí quá cao. Chưa kể, bạn có thể sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình sử dụng. Vậy nhưng, phong cách này vẫn “hạ gục” nhiều người bởi nó mang đến không gian sống vừa độc đáo, phá cách nhưng cũng rất đỗi chân phương, gần gũi và đặc biệt thể hiện được cá tính của gia chủ.

(Theo Báo mới)