Công trình đẹp nhờ phong cách kiến trúc hay không gian phù hợp với mỗi chủ nhân, nhưng để tạo nên cảm xúc thì chắc chắn không thể phủ nhận tầm quan trọng của chất liệu tạo nên công trình đó.
Từ vật liệu bên trong nội thất và cả vật liệu có giá trị tạo hiệu ứng, cảm xúc từ ngoài vào trong (như kính màu nhà thờ hay lam chớp, gạch hoa trang trí)… phạm vi bài viết chỉ đề cập đến chất liệu vỏ bọc bên ngoài công trình kiến trúc, nhất là ở khu vực đô thị như Thủ đô Hà Nội.
Vật liệu truyền thống Việt
Những chất liệu tạo nên công trình, qua quá trình hình thành và phát triển lịch sử ngày càng trở nên gắn bó và duy trì bền vững, thích ứng với từng vùng miền đều gọi là vật liệu xây dựng truyền thống và được chia làm 2 dạng:
- Vật liệu trực tiếp từ thiên nhiên: Đá, sỏi, bùn, rơm, tre, gỗ, cói, rạ, lá dừa…;
- Vật liệu nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng đã được xử lý qua công nghệ, tạo hình như gốm, sứ, gạch nung, ngói…;
Với mỗi địa bàn vùng miền, khí hậu lại có những loại vật liệu khác nhau, được khai thác trở thành vật liệu chính trong kết cấu, kiến trúc hay bộ phận công trình như gỗ trong kết cấu nhà sàn, đất vồ thành tường trình… góp phần tạo nên bản sắc kiến trúc địa phương.
Vật liệu xây dựng truyền thống có ưu điểm:
- Tính bền vững cân bằng giữa tự nhiên và công trình, giảm thiểu tác động môi trường, hệ sinh thái… do đó có độ bền cao;
- Tính kinh tế do khai thác, sử dụng nguồn có sẵn tại địa phương, tiết kiệm chi phí sản xuất, vận chuyển;
- Tính thẩm mỹ cao với vẻ đẹp tự nhiên, gắn kết với điều kiện tự nhiên, văn hóa vùng miền.
Các yêu cầu về kiến trúc
1. Kiến trúc phải đánh dấu thời đại xây dựng
Mỗi thời kỳ, tác phẩm kiến trúc thể hiện trình độ, năng lực và công nghệ của giai đoạn, đất nước hay tộc người vùng miền đó. Theo quá trình phát triển của loài người, nhu cầu thẩm mỹ đối với công trình ngày càng đòi hỏi ở mức cao hơn. Thời kỳ sơ khai nhu cầu ở chỉ là chỗ che mưa che nắng, tránh thú dữ nên là hang động tự nhiên, rồi dần dần xếp đá thành tường rào bao quanh, dựng cây làm cột, lấy lá lợp mái… Tất cả vật liệu được sử dụng từ tự nhiên của chính địa phương đó, tạo dần các không gian ở, sau này gọi là nhà cửa. Nghệ thuật, phong cách kiến trúc thời này chưa được đặt thành vấn đề.
Kinh tế, văn hóa phát triển kéo theo trình độ, công nghệ xây dựng và nghệ thuật trang trí cũng dần phát triển, tạo nên những đường nét cầu kỳ, sang trọng trong các thành quách cung điện vua chúa hay các công trình tôn giáo, tín ngưỡng to lớn, đòi hỏi vật liệu tương thích như cột lớn làm đình, thợ tinh khéo chạm trổ…
Đến kiến trúc hiện đại, hình thức đơn giản và điển hình theo dạng công nghiệp thì vật liệu bê tông nhà khung, cửa sổ kính, vật liệu bao che để mộc hoặc chỉ sơn phủ bảo vệ nhẹ nhàng, rồi đến các loại vật liệu đáp ứng yêu cầu mái vòm dây văng, vỏ bao che công trình nhẻ, chống nóng và đa hình dạng.
2. Kiến trúc thích ứng điều kiện khí hậu, tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền
Như trên đã nói, tùy theo địa hình, địa mạo khí hậu văn hóa dân tộc cùng với trình độ mà tạo nên kiến trúc vùng miền.
Những toà tháp Chăm từ miền Trung trở vào với vật liệu gạch trần và vữa keo kết dính, tạo nên độ thụ cảm huyền ảo khi công trình thường nằm ở trên các đồi cao, và hướng về phía Đông tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Hoặc như các lũy bằng đá, hay toà thành nhà Hồ bằng những viên đá tảng… là những công trình sáng tạo tiêu biểu được thiết kế xây dựng trên cơ sở dữ liệu từ vật liệu địa phương… trở thành những tác phẩm kiến trúc trường tồn cùng dân tộc.
Ở Việt Nam có 6 vùng khí hậu đặc trưng, mỗi tộc người thì lại có các loại hình nhà, dù hình thức thoáng qua giống nhau nhưng lại có tên gọi khác nhau hoặc cấu trúc khác nhau. Ví dụ, cùng là nhà trên cột nhưng nhà người Mường khác với nhà dài của người Êđê hay nhà rông của người Ba Na. Vật liệu lợp mái hay bao che cũng đa dạng theo mỗi địa phương, kết hợp với cách bố trí quần thể chung tạo nên bản sắc kiến trúc riêng biệt.
Hoặc như dãy tường rào, bậc đá của Lộc Yên – Tiên Phước (Quảng Nam) khác Pù Luông (Thanh Hóa) dù nhà cũng trên các đồi cao; Chất liệu đá ong, nhà tường mù tại Liên Quan – Thạch Thất, Đường Lâm – Sơn Tây (Hà Nội) khác tường trình đất đỏ của Hà Giang…những loại vật liệu đặc trưng bản địa ấy để lại ấn tượng lạ lùng và cảm xúc mãnh liệt đối với du khách nơi xa đến, nhưng có khi lại có cảm giác nhàm đến độ quen mắt của chính người dân địa phương đó.
Chính vì thế, khi có điều kiện để xây dựng lại thì người miền núi lại muốn xây biệt thự, nhà tầng bê tông hàng phố như đô thị; hoặc người miền xuôi lại rước chuyển nhà sàn miền núi về để tạo dựng sự khác biệt.
Đây cũng là điều cần kiểm soát để gìn giữ bản sắc kiến trúc, vật liệu riêng của mỗi vùng miền, đồng thời vẫn phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển của cư dân đảm bảo không có sự đột biến, phá vỡ cấu trúc chung của văn hoá khu vực.
3. Kiến trúc hội nhập phù hợp xu hướng thế giới
Vật liệu truyền thống và kiểu dáng công trình địa phương tạo ra bản sắc vùng miền. Trải qua quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, đặc biệt tại các vùng giáp ranh giới các nước hay các khu vực giao thương buôn bán lớn, sự giao lưu, giao thoa kiến trúc, vật liệu xây dựng là có, lâu dần còn tạo ra những phong cách thích ứng khí hậu và yêu cầu của nhà đầu tư.
Những công trình như nhà thờ đá Phát Diệm với hình ảnh của ngôi chùa hay nhà thờ gỗ Kon Tum kết hợp hệ thống kính màu… đã trở thành tuyệt tác về sự kết hợp giữa không gian kiểu dáng, vật liệu truyền thống và hiện đại. Nhiều công trình được xây dựng bằng vật liệu vạn chuyển từ nước ngoài vào như gạch đỏ nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh), đá hoa cương bao bọc các ngọn hải đăng cổ ven biển: Đại Lãnh (Phú Yên), Kê Gà (Bình Thuận), Minh Châu (Quảng Ninh)…
Sau ngày thống nhất đất nước 1975, các loại hình vật liệu bề mặt đá rửa, granito vốn phổ biến ở khí hậu khô từ Đà Nẵng miền Trung trở vào cũng được áp dụng đại trà không cân nhắc ở miền Bắc, sau do rêu mốc, bám bụi mà dần biến mất. Một số đô thị vùng núi sát biên giới lại theo xu hướng các đô thị Trung Quốc liền kề, ốp bề mặt công trình bằng các loại vật liệu nhẵn bóng như gạch men, đá thẻ: Móng Cái (Quảng Ninh). Lạng Sơn, Lào Cai… chỉ đạt về tránh bụi chứ không tạo ra độ thụ cảm thẩm mỹ công trình và làm mất đi bản sắc của vùng miền núi Việt Nam.
Những năm gần đây, một số KTS Việt Nam đã thành công trong việc kết hợp sử dụng vật liệu truyền thống kết hợp với vật liệu kết cấu hiện đại, tạo nên các tác phẩm kiến trúc có độ thụ cảm thẩm mỹ chất lượng như các loại hình quán cà phê của KTS Võ Trọng Nghĩa với các vậy liệu mây tre, cói… Đây là điều đáng tự hào và nên cổ xúy, khuyến khích nhân rộng. Tuy nhiên, lại cũng có nhiều công trình, nhất là các khu vực tư nhân, dù đúng với xu thế kiến trúc xanh, sinh thái nhưng lại copy nguyên bản các mô hình từng được xây dựng áp dụng tại Ba Li (Indonesia) đối với loại hình resort ven biển, trên núi hay giống Nhật Bản, Trung Quốc đối với các công trình chùa, đền… làm mất đi bản sắc văn hóa Việt. Nhiều công trình mới được thiết kế kiến trúc hiện đại với vật liệu tương thích như aluninum bao bọc Nhà thi đấu Quảng Ninh với các nhịp điệu như sóng biển; hay các toà nhà hành chính Đà Nẵng, toà nhà Keangnam, toà nhà Lotte Hà Nội bao bọc kính… dù cảm thụ đúng phong cách kiến trúc hiện đại nhưng lại chưa để ý đến độ chói, phản chiếu đến các công trình đối diện, xung quanh hay vào mắt người quan sát.
Như vậy, tùy theo điều kiện và ý chí của chủ đầu tư, nhà quản lý và trình độ của KTS mà công trình thể hiện được thời đại xây dựng hay không. Có người thiên về hoài cổ, sao chép các thức công trình (nhất là kiểu dáng tân cổ điển) mà không đánh dấu được thời đại xây dựng, có người lại khai thác các vật liệu truyền thống nhưng ở dạng cao cấp kết hợp các vật liệu hiện đại, hoặc nhập khẩu các loại vật liệu…
Vật liệu công trình kiến trúc tại Hà Nội
Với lịch sử hơn ngàn năm, Hà Nội cũng là nơi có kiến trúc phong phú, đa dạng nhưng tinh hoa nhất, cũng là nơi giao lưu văn hóa thông qua biểu hiện của công trình kiến trúc một cách rõ nét nhất. Trong giai đoạn từ năm 1929 trở đi rất nhiều các công trình kiến trúc mới kết hợp vật liệu mái ngói, chồng diêm, các lớp hành lang truyền thống, các họa tiết gốm sứ kết hợp các yếu tố phương Tây… đã tạo nên một phong cách kiến trúc thích hợp khí hậu nhiệt đới được gọi là kiến trúc Đông Dương với các công trình có giá trị kiến trúc tiêu biểu như Bảo tàng Lịch sử, Đại học Dược, Viện Vệ sinh dịch tễ, Trụ sở Bộ Ngoại giao.. trở thành những di sản đô thị vô giá cho đến tận ngày hôm nay.
Thời kỳ còn chiến tranh, với mục tiêu nhanh – bền – tốt – rẻ, các loại hình nhà tập thể ra đời với vật liệu bê tông cốt thép lắp ghép cũng tạo nên thành đặc trưng – dấu ấn của thủ đô giai đoạn này, tuy nhiên độ thụ cảm thẩm mỹ thì không được đặt ra. Chính vì vậy có cảm giác đơn điệu và vô hồn khi đi giữa các khối hình hộp này.
Với các công trình công cộng do kinh tế có hạn và khi có điều kiện thì trình độ quản lý lại không đủ năng lực theo kịp nên càng không thể có những đột biến trong kiến trúc các công trình quan tâm đến yếu tố vật liệu, dù có sự tham gia của tư vấn nước ngoài như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hà Nội… vẫn chỉ ở mức đáp ứng công năng, không gian mà chưa thực sự đưa vấn đề vật liệu phù hợp với kiến trúc sinh thái và bản sắc Việt.
Như chiếc áo thể hiện văn hóa, trình độ và cấp độ của người chủ sở hữu, vật liệu bao che – vỏ bọc công trình kiến trúc vừa đáp ứng yêu cầu của kiến trúc hiện đại, phát triển bền vững lại vừa đảm bảo gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa Việt. Kiến trúc tại 2 đô thị đặc biệt Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh là nơi đại diện, là tấm gương, đầu tầu cho xu hướng kiến trúc lại cần có những công trình tiêu biểu. Đó vừa là đầu bài nhưng lại là thách thức cho KTS sáng tạo tác phẩm để đời.
KTS Nguyễn Phú Đức
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2018)