Xu hướng thiết kế đảo bếp ngày càng phổ biến và được nhiều gia đình lựa chọn bởi những tiện ích mà nó mang lại. Thiết kế bếp nói chung và đảo bếp nói riêng không nên sơ sài, qua loa vì đây là không gian sinh hoạt chung, nơi cả gia đình cùng nhau quây quần ăn uống, trò chuyện sau một ngày bận rộn với công việc, học tập.
Bài viết cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản nhất về chức năng, kích thước tiêu chuẩn và một số lưu ý khi thiết kế, bài trí đảo bếp.
Đảo bếp là gì?
Đảo bếp còn được gọi là bàn đảo, bếp đảo. Đúng như tên gọi, đảo bếp là một phần tách riêng của tủ bếp, tựa như một “hòn đảo” riêng rẻ. Vị trí đặt đảo bếp phổ biến là giữa phòng bếp, phía sau người nấu để thuận tiện thao tác, chế biến, nấu nướng…
Thông thường, gia chủ sẽ tận dụng khoảng trống dưới đảo bếp để bố trí các ngăn kệ, khoang tủ đề vật dụng phòng bếp. Phần đảo bếp hướng ra không gian bên ngoài có thể được thiết kế hoa văn, họa tiết ấn tượng nhằm tạo điểm nhấn trang trí bắt mắt cho gian bếp nói riêng và tổng thể ngôi nhà/căn hộ nói chung.
Hiện có 5 kiểu đảo bếp thông dụng nhất gồm:
- Đảo bếp để chuẩn bị thực phẩm trước khi nấu nướng;
- Đảo bếp đặt bếp nấu hoặc bồn rửa bát, rau quả;
- Đảo bếp kiêm chức năng bàn bar, bàn ăn;
- Đảo bếp di động.
Ngoài các kiểu đảo bếp cơ bản nêu trên còn có kiểu bán đảo bếp. Thực chất, đây là phần mở rộng thêm của phần tủ bếp dưới, được nối liền và vuông góc với bề ngang của hệ tủ. Chức năng của bán đảo bếp tương tự như đảo bếp nhưng tiết kiệm diện tích hơn nhiều. Vì chỉ đủ chỗ cho tối đa 3 người ngồi xung quanh nên bán đảo bếp chỉ phù hợp với những gia đình có ít thành viên, nhu cầu lưu trữ không lớn.
Vai trò, chức năng của đảo bếp?
Trước khi thiết kế, thi công đảo bếp, bạn nên xác định rõ chức năng của hạng mục này. Tùy mỗi chức năng mà phần không gian phía dưới đảo được thiết kế, bài trí phù hợp, tiện dụng nhất.
Thứ nhất, đảo bếp có thể là nơi người nội trợ chuẩn bị thực phẩm, sơ chế trước hoặc là nơi bày biện, trang trí các món đã nấu xong. Trong trường hợp này, đảo bếp đóng vai trò như “trạm trung chuyển” riêng biệt, cho phép chị em thoải mái chuẩn bị mọi thứ mà không ảnh hưởng tới khu vực nấu nướng chính trong phòng bếp.
Thứ hai, đảo bếp còn giúp gia tăng không gian lưu trữ cho gian bếp. Không gian chức năng này trở nên gọn gàng, thoáng đẹp hơn khi vật dụng được cất gọn trong các hộc tủ, ngăn kéo phía dưới đảo bếp.
Thứ ba, đảo bếp giúp nới rộng không gian bếp. Thực tế cho thấy, thay vì bếp chính, nhiều người thích nấu nướng trên đảo bếp hơn, nhất là khi nhà có tiệc, đông khách tới chơi. Trong trường hợp này, gia chủ nên để trống phần không gian phía dưới đảo bếp làm nơi lắp đặt các thiết bị bếp nấu. Mặt khác, trên bề mặt đảo, gia chủ có thể lắp đặt vòi, chậu nhỏ để rửa rau quả và dĩ nhiên phía dưới bàn đảo cần để trống để bố trí đường ống cấp, thoát nước.
Thứ tư, nhiều gia đình lựa chọn thiết kế đảo bếp tích hợp chức năng quầy bar và bàn ăn (chủ yếu là ăn sáng) tiện lợi. Theo đó, mọi người có thể quây quần cùng nhau nấu nướng, ăn uống và chuyện trò rôm rả. Hơn nữa, đảo bếp tích hợp chức năng quầy bar sẽ tạo sự kết nối giữa gia chủ và khách, người nội trợ có thể vừa làm bữa, vừa trò chuyện với khách.
Thứ năm, đối với các gia đình trẻ, đảo bếp còn là nơi bé tô vẽ, làm bài tập, chơi Lego… Nhờ vậy, trong khi nấu nướng, bố mẹ có thể để mắt tới con cái. Trẻ cũng có thể phụ giúp bố mẹ việc bếp núc một cách thích thú, rèn luyện cho trẻ tính tự lập từ nhỏ.
Chưa hết, đảo bếp nhiều khi còn đóng vai trò vách ngăn lửng giúp phân chia tương đối giữa không gian phòng bếp với khu vực tiếp khách và được trang trí bắt mắt để tạo điểm nhấn ấn tượng. Tóm lại, tùy nhu cầu của từng gia đình, đảo bếp sẽ có chức năng khác nhau, cách bố trí nội thất khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là mang đến sự tiện lợi nhất cho người dùng, kiến tạo vẻ đẹp sang trọng cho phòng bếp.
Có nên thiết kế đảo bếp?
Với những phân tích ở trên thì đảo bếp rất đa năng, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Tuy nhiên, đảo bếp không phải là lựa chọn lý tưởng cho mọi phòng bếp. Có nên thiết kế đảo bếp trong không gian bếp Việt hay không vẫn luôn là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.
Để có được câu trả lời phù hợp nhất, trước hết bạn cần xác định nhu cầu thực sự của mình. Chẳng bạn, bạn có cảm thấy thiếu không gian để chuẩn bị đồ ăn, sơ chế thực phẩm? Tủ bếp không còn chỗ trống để chứa thực phẩm khô? Nhà bạn chưa có bàn ăn và muốn sắm mới?… Nếu thấy cần thiết và phòng bếp vẫn còn khoảng trống, hãy cân nhắc lựa chọn mẫu đảo bếp phù hợp.
Nếu gia đình bạn thường xuyên tiếp đón các vị khách, bạn bè thân thiết tới chơi và phòng bếp đủ rộng rãi, thoáng sáng thì một đảo bếp ấn tượng, thêm vài ba ghế bar nhỏ xinh là ý tưởng đáng để cân nhắc.
Mặt khác, gia chủ cũng nên biết một số nhược điểm của đảo bếp để xem xét, lựa chọn cẩn thận hơn. Đảo bếp thường chiếm kha khá diện tích nên với những căn bếp nhỏ hẹp thì hạng mục này không phải là lựa chọn hợp lý. Chưa kể, khi có đảo bếp bạn sẽ phải tốn thêm thời gian dọn dẹp, vệ sinh, nhất là phía trên mặt đảo bếp đặt bếp nấu hoặc chậu rửa.
Ngoài nhu cầu sử dụng, diện tích phòng bếp, bạn cần quan tâm tới khả năng tài chính khi quyết định có nên thiết kế đảo bếp hay không. Bởi lẽ, kinh phí làm đảo bếp cũng chiếm một khoản đáng kể.
Kích thước tiêu chuẩn của đảo bếp
Kích thước của đảo bếp phụ thuộc vào kích cỡ tủ bếp, đảm bảo sao cho khoảng cách di chuyển của người nội trợ được thuận tiện nhất. Theo các chuyên gia nội thất, kích thước tiêu chuẩn của đảo bếp là cao 85cm (tính cả bề mặt đá hoặc gỗ), phần dưới của tủ sâu 60cm. Trong khi đó, chiều dài bàn đảo bếp tùy thuộc vào ý muốn của gia chủ nhưng phải đảm bảo hài hòa với cấu trúc tổng thể phòng bếp.
Tiêu chuẩn về kích thước đảo bếp nói trên được ứng dụng phổ biến nhất hiện nay. Song, đối với từng trường hợp cụ thể, số liệu này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như diện tích, không gian phòng bếp và cả sở thích của gia chủ.
Khoảng cách giữa tủ bếp và bàn đảo phổ biến là từ 90cm tới 1,5m, giúp người nấu nướng vừa dễ dàng thao tác, vừa thuận tiện đi lại. Kinh nghiệm cho thấy, đây là khoảng không gian rất quan trọng khi gia chủ muốn bố trí bàn đảo bếp, đảm bảo đủ thoải mái, rộng rãi để cửa ra vào phòng bếp (nếu có), ngăn kéo, lò nướng, lò vi sóng, máy rửa bát… có thể được mở ra dễ dàng và an toàn.
Bạn cần đảm bảo chắc chắn rằng, đảo bếp không quá xa hoặc quá gần khu vực bếp xung quanh. Kiến trúc sư thường bố trí đảo bếp theo quy tắc tam giác hữu dụng (bếp nấu – bồn rửa – tủ lạnh) hoặc mô hình 2 điểm song song. Nếu đảo quá xa so với khu bếp nấu và tủ bếp sẽ khiến người nội trợ phải di chuyển nhiều trong quá trình chuẩn bị thực phẩm, rửa rau củ hoặc bày biện các món đã làm xong. Vì vậy, khoảng cách sàn giữa đảo và khu vực bếp cần được tính toán phù hợp với công năng, nhu cầu, đi lại an toàn.
Kích thước của đảo bếp được áp dụng linh động tùy vào chức năng chính của bàn đảo. Chẳng hạn, với đảo bếp là nơi đặt bếp nấu hoặc bồn rửa bát, chiều cao của đảo sẽ bằng với chiều cao tủ bếp, từ 81-87cm (đã gồm cả bề mặt đá hoặc gỗ). Trong khi đó, đối với đảo bếp kết hợp bàn bar, bàn ăn thì chiều cao thường từ 1,05-1,2m. Trong đó, phần đảo vẫn bằng mặt bếp, phần bar cao hơn 20-30cm đã bao gồm mặt gỗ hoặc đá. Mặt khác, bạn nên chừa ra một khoảng không gian vừa đủ để đặt ghế ngồi. Mặt đảo bếp nên được thiết kế nhô ra ít nhất 0,3m cho khu vực ngồi để người dùng đặt chân thoải mái.
Về hình dáng, tùy diện tích bếp, mục đích sử dụng và sở thích gia chủ để có thiết kế phù hợp. Thông thường, đảo bếp có hình chữ nhật, hình vuông hoặc được bo tròn các cạnh bên, uốn lượn nhẹ nhàng.
Lựa chọn chất liệu nào cho đảo bếp?
Để lựa chọn chất liệu phù hợp cho đảo bếp bạn nên căn cứ vào phong cách nội thất khu bếp và khả năng tài chính của mình. Nếu chuộng phong cách cổ điển, gia chủ nên chọn chất liệu gỗ tự nhiên, tông màu hài hòa với không gian tổng thể. Trong khi đó, gỗ công nghiệp, đá thạch anh, đá granite, acrylic, bê tông xám… là những chất liệu phù hợp với phong cách đảo bếp hiện đại, tối giản.
Xét về chi phí, nếu kinh phí hạn hẹp thì gia chủ nên sử dụng gỗ công nghiệp chuyên dụng cho bề mặt đảo bếp. Với mức phí trung bình, bạn có thể lựa chọn bề mặt bê tông mỏng ốp lát gạch hoa. Cao cấp hơn, chủ nhân nên xem xét chọn gỗ tự nhiên, đá granite, kính cường lực,… Tuy nhiên, trước khi quyết định lựa chọn chất liệu nào cho đảo bếp, bạn nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, kinh nghiệm.
Lưu ý rằng, bên cạnh yếu tố giá cả, xu hướng và thẩm mỹ thì an toàn là tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn chất liệu bề mặt đảo bếp bởi đây là nơi thường tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Cuối cùng, để đảo bếp trở thành điểm nhấn hút mắt, bạn không nên bỏ qua khâu trang trí. Gia chủ có thể sơn các hộc tủ, ngăn kéo bên dưới đảo bằng những tông màu nổi bật, khác biệt hẳn so với màu nền chung của phòng bếp. Chẳng hạn, với phòng bếp gam màu trung tính chủ đạo, bạn hãy tạo điểm nhấn cho đảo bếp bằng màu vàng chanh, đỏ cam, xanh dương…
Với khu vực chức năng này, các gia đình thường bố trí đèn thả kiểu dáng hài hòa với phong cách tổng thể. Không chỉ bổ sung ánh sáng cho căn phòng, đèn thả còn giúp gia tăng cảm giác ấm cúng, gần gũi. Một vài chậu cảnh nhỏ xinh hoặc bình hoa tươi tắn cũng đủ để khiến không gian đảo bếp trở nên sinh động, cuốn hút hơn. Mặt khác, gia chủ cũng nên dọn dẹp, vệ sinh ngay sau khi sử dụng để đảm bảo cho bàn đảo luôn gọn gàng, sạch sẽ và đẹp mắt.
(Theo Báo mới)