Trong ngũ quan, mắt “nhìn” được, thấy được, tiếp xúc được với thế giới dài rộng hơn, xa hơn. Mũi ngửi, tai nghe, tay chạm… không thể bằng tầm nhìn của mắt, ngay cả ngôn ngữ nói thì thuở ban đầu cũng phải thông qua mắt bằng cách khái quát hóa hiện thực thành những hình tượng trưng (chữ tượng hình). Chưa kể tốc độ con mắt nhìn thấy ngoại quan cũng là nhanh nhất – Đó là tốc độ của ánh sáng.
Không nên đặt vấn đề nghệ thuật thị giác thì quan trọng hơn thi ca nhưng rõ ràng nghệ thuật thị giác ra đời trước. Những hình vẽ trang trí khắc vạch trên đồ gốm Phùng Nguyên (tên một di chỉ ở Phú Thọ) cách đây khoảng 4000 – 3.500 năm là những minh chứng tiêu biểu. Nghệ thuật thị giác, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh… khởi đầu và kết thúc ở cái nhìn. Người ta chiêm ngưỡng một tác phẩm điêu khắc, một công trình kiến trúc vì họ thấy hình ấy, khối ấy, mầu ấy, tỉ lệ ấy, chất liệu bề mặt ấy đẹp!
Nhà tôi ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Trước cửa là chùa Lý Quốc Sư, đầu phố là Nhà Thờ lớn. Bạn bè hay đùa: Cái vị trí địa văn hóa – “hàng xóm” với cả “hai nhà” nên ông quen được với cả nhà chùa lẫn nhà thờ. Mà đúng thế thật, hôm rồi chuyện trò với mấy tân sinh viên bên Đại chủng viện Giuse về kiến trúc nhà thờ, tôi nói với họ về Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), người ta thường gọi đó là “bản giao hưởng của đá”, nơi mà những người thợ thủ công biểu diễn tay nghề điêu khắc tinh xảo của mình. Nhà thờ chính tòa Sài Gòn đẹp với chất liệu gạch mộc, không trát. Rồi nhà thờ chính tòa Kon Tum xây dựng năm 1913 hoàn toàn bằng gỗ, ở Kon Tum. Tôi muốn nói thêm về một nhà thờ nữa, nhỏ thôi. Nhà thờ của xóm Trại, chẳng có tên gì cả, ở thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xóm Trại ở ngoài đê, gần như biệt lập, chỉ có độ mười mấy nóc nhà và một giáo đường nhỏ. Nhà thờ lớn thì nhiều nhưng nhà thờ xóm thì thật hy hữu. Nhà thờ xóm Trại xây năm 1938 và hoàn thành năm 1943. Những cụ già hôm nay chính là những người đã cùng cha ông họ đào đất, đóng gạch tự xây nên ngôi nhà thờ này. Những viên gạch có mầu đỏ đẹp lạ kỳ bởi được đóng bằng đất phù sa pha cát sông Hồng, được nung bằng bẹ ngô và cỏ tranh mọc ngoài bãi giữa.
Ngôn ngữ đá ở kiến trúc chùa đẹp nhất là chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Với hàng lan can bằng đá bao quanh tòa thượng điện và cây cầu đá, ba nhịp nối thượng điện với “nhà Cửu phẩm liên hoa”. Cả lan can và cầu là khoảng bốn mươi bức phù điêu với lối chạm khắc dân gian chứ không cầu kỳ, đề tài cũng bình dị, không hề minh họa cho các tích của Phật giáo như các nơi khác. Và đương nhiên không thể không nhắc đến tháp Báo Nghiêm bằng đá cao năm tầng, mười ba mét. Bên trong tháp đặt tượng Thiền sư Chuyết Chuyết bằng đá, tổ thứ nhất của chùa Bút Tháp. Phía sau cùng là nhà Tổ, có một giếng đá, miệng giếng chặn hình cánh sen.
Nếu ai mê chất liệu đất nung trong kiến trúc chùa thì đều biết đến tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là tháp Phật giáo từ đời Lý duy nhất còn lại. Những viên gạch mầu đỏ đặc trưng của đất nung để xây tháp đều có hoa văn họa tiết điển hình của mỹ thuật thời Lý như hình rồng, hoa cúc dây, hoa sen, lá đề Chất liệu đất nung là chất liệu rất phổ biến trong kiến trúc thời Lý, Trần từ chùa tháp đến đền đài, cung điện, thành quách. Có thể là gạch lát sân hoặc những tác phẩm điêu khắc để trang trí đầu cột, bờ nóc… Chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ có một bệ tượng Phật bằng đất nung rất độc đáo, phía trên bệ là hình cánh sen, phía dưới là nhiều phù điêu hình hoa lá, chim thú. Ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có chùa Bổ Đà. Không còn một ngôi chùa nào niên đại từ thời Trần mà lại có một bức tường đất bao quanh chùa, đẹp và độc đáo như vậy. Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có nghề làm gốm nổi tiếng cùng dòng với gốm Phù Lãng, Hương Canh. Chùa làng Thổ Hà được xây bằng một loại chất liệu không đâu có, cây nhà lá vườn, đó là những mảnh chum, vại bị vỡ, tiểu sành. Đồ phế thải nhưng lại rất đẹp về mặt thị giác và không chỉ như vậy mà còn đẹp theo một ý nghĩa khác.
Tháng trước, nhân một chuyến đi thăm mấy ngôi chùa ở tỉnh Bắc Giang, tôi có đến chùa Thổ Hà và ở lại đó lâu nhất. Tôi mang thắc mắc của mình về vật liệu xây chùa hỏi một vị sư thầy. Bà bảo: Khái niệm vật liệu chính phẩm hay phế phẩm trong chuyện này không có giá trị gì. Dù là những mảnh gốm vỡ của chum, vại, vò, niêu, những tiểu sành quá lửa cong vênh nhưng đó là lòng thành của dân làng. Chùa là của làng, mỗi người dân trong làng đều có quyền được cung tiến, dù giầu hay nghèo, dù ít hay nhiều, dù đó chỉ là một mảnh của cái vại sành bị vỡ khi ra lò thì đó cũng là tấm lòng, đó cũng là tâm. Đạo Phật là đạo tu tâm. Nhất niệm khởi, nhất duyên sinh. Một mảnh sành vỡ cũng là một chính niệm. Xây chùa là việc lành, việc thiện, việc phúc của cả làng. Cái duyên, cái hạnh lớn đó phải được chia đều cho tất cả mọi người trong làng. Một người nghèo nhất làng cũng là “một người giầu nhất” trong cái buổi sáng mà anh ấy mang mảnh chum vỡ đến góp để xây chùa. Công đức ấy thật lớn. Mảnh chum vỡ chính là duyên lành của anh ấy.
Xi măng, sắt thép, đất đá, đều là vật liệu, thoáng qua thì thấy thô, thấy hữu hình, vô tình nhưng khi nghĩ đến chất liệu tức là đã có bề mặt, đã có ngoại hình, đã có chất, đã có suy nghĩ, đã có tác giả, đã có chủ quan. Chưa kể chất liệu, nếu coi nó là ngôn ngữ để có thể từ đó xây được những câu chuyện, thì ngay từ khi bắt đầu nó đã vô hình và hữu tình. Còn nếu dưới cái vô hình ấy lại có một cái nền triết học, văn học như câu chuyện chùa Thổ Hà được xây bằng những mảnh gốm vỡ, những mảnh duyên lành của người dân trong làng thì chất liệu sẽ là cả một câu chuyện dài đầy siêu hình.
Họa sỹ Lê Thiết Cương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2018)