Vật liệu và các giải pháp sử dụng vật liệu trong công trình giúp hoàn chỉnh công năng, tạo nên hình ảnh và thể hiện thông điệp của thiết kế. “Tiếng nói” mà ngôi nhà có được phần nào là nhờ vào sự khai thác tốt ngôn ngữ của vật liệu.
PHẠM THÙY TƯỜNG VI – KIẾN TRÚC SƯ
CHỚ ĐỂ… BẤT ĐỒNG NGÔN NGỮ
Tôi thấy rằng một ngôi nhà được thiết kế và xây dựng hoàn chỉnh sẽ là tổng hòa các sắp xếp về không gian mà ngôn ngữ tương tác cuối cùng đối với gia chủ nằm ở vật liệu hoàn thiện. Việc gia chủ có cảm thấy hòa hợp, đồng điệu các sở thích của bản thân với không gian ngôi nhà hay không chịu sự chi phối bởi ngôn ngữ vật liệu được thể hiện như thế nào. Mà ngôn ngữ thì nằm ở khả năng biểu đạt và tương tác đôi bên, nói nhiều mà người nghe không hiểu, không cảm nhận được thì sẽ là… bất đồng ngôn ngữ.
Tương tác trong không gian gần gũi và thân thiện nhất chính là cảm nhận qua các giác quan mà đứng đầu là thị giác, rồi đến xúc giác, thậm chí cả khứu giác và thính giác nữa. Từ ánh nhìn đầu tiên, màu sắc, độ phản chiếu, tỷ lệ to nhỏ, nhiều ít… trở thành các đặc tính cơ bản được ghi nhận, rồi định hình ấn tượng về không gian của ngôi nhà. Sau khi quan sát là những “va chạm” cụ thể hơn, người ta sẽ cảm nhận độ sần sùi thô ráp hay bóng loáng trơn nhẵn, độ mát lạnh của kim loại hay sự ấm áp của gỗ và gốm… Thậm chí người ta nhận ra rằng mùi hương cũng như âm thanh trong không gian đem lại cảm giác thân quen hay xa lạ, dễ chịu hay khó chịu cũng nằm ở yếu tố chất liệu hoàn thiện và những tương tác trong quá trình sử dụng. Mùi hương thoang thoảng từ những mảng gỗ, mùi vôi mới quét hay sân xi măng sau cơn mưa, thanh âm phát ra khi bước đi trên nền gỗ, gạch, đá… có thể được xem như một phần không thể thiếu của ngôn ngữ tương tác giữa gia chủ và tổ ấm.
Chính từ những phương thức tương tác trên mà công nghệ vật liệu dù phát triển đến đâu cũng không thể nào bỏ qua yếu tố “cảm nhận thế nào” là then chốt và cơ bản. Các nhà thiết kế có kinh nghiệm thường hay tư vấn cho khách hàng nên “sờ tận tay day tận mặt” vật liệu trước khi quyết định chọn mua về sử dụng, bởi vật liệu ngoài cửa hàng và vật liệu khi vào nhà mình sẽ có sự khác biệt, ít nhất là về mặt thụ cảm trong bối cảnh cụ thể. Những vật liệu càng mới, càng gây ấn tượng mạnh mẽ càng cần thêm trải nghiệm, có thể gây “shock ngôn ngữ” với người sử dụng, đòi hỏi độ tinh tế trong chọn lựa và tiết chế khi sử dụng với khối lượng lớn. Tôi ví dụ như có thời nhà nhà ốp gạch men không chỉ trong phòng tắm mà ra cả ngoài phòng khách, ra mặt tiền… với quan niệm là “cho nó sạch, nó bóng, dễ lau chùi”. Hoặc có người tháo ráp nguyên ngôi nhà gỗ ở quê mang vào thành phố, để khi ở trong đó rồi mới nhận ra rằng cũng những mảng gỗ xưa cũ đó, nay dựng lại trong đô thị sao trở nên lạc lõng, khó gần gũi như ở bối cảnh nhà vườn đơn sơ.
Như vậy, theo tôi không hề có chất liệu đang hot, màu nào đáng đúng xu thế… mà chỉ có những chất liệu, màu sắc, ngôn ngữ được đặt trong bối cảnh phù hợp, có được sự tương tác và cảm nhận đúng mức của người sử dụng. Để khi “trao đổi” qua lại trong quá trình sử dụng thì không gian, thời gian và con người đều tìm được sự hòa hợp với nhau.
DƯƠNG VĂN BÉ – KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG
CHỌN LỰA TÙY ĐỐI TƯỢNG
Chọn vật liệu nào để hoàn thiện nhà luôn là chuyện vừa dễ vừa khó, nhất là với ai quan tâm đến tính hiệu quả, thẩm mỹ và kinh tế, chứ tôi không nói dạng chủ nhà hay chủ thầu đại khái chỉ muốn làm cho xong. Thoạt trông thì thấy hãng vật liệu nào cũng na ná giống nhau, nhưng khi đi vào từng thương hiệu cụ thể thì tùy theo quy mô đầu tư mà một vật liệu được nghiên cứu – định danh – tiếp thị theo hướng đơn giản hay cầu kỳ. Tôi ví dụ như chọn gạch ốp lát: khách hàng có thể chỉ đơn thuần nhìn thấy các tông màu nóng, màu lạnh, trung tính… để dễ hình dung là sẽ “phối” với màu sơn tường, đồ đạc, hay kiểu nhà. Nhưng thực tế có nhãn hàng đưa ra cả một câu chuyện hình ảnh được dẫn dắt bằng các nghiên cứu công phu và trình bày cầu kỳ, hấp dẫn, hệ thống.
Tôi hay khuyên các khách hàng rằng: hãy quan tâm đến nghiên cứu của nhãn hàng, vì họ có chuyên gia, tìm tòi, phối kết mới ra cả một hệ thống sản phẩm như vậy, mình không có thời gian lẫn chuyên môn, nhà mình cũng không phải dạng đặc biệt quá, mà đi nhặt nhạnh mỗi nơi một chút về phối với nhau coi chừng… không giống ai! Hơn nữa, những ngôi nhà đẹp xuất sắc, đẹp lạ mắt, đẹp khác biệt… lại thường dùng có hạn chế chủng loại vật liệu hoàn thiện, hay nói cách khác là dùng vật liệu có kiểm soát chặt chẽ, có chính phụ, nhất quán… và tôi cũng thường hay dẫn ra các tờ báo, trang mạng về nhà đẹp khắp nơi để minh chứng cho gia chủ thấy kinh nghiệm chọn và phối kết vật liệu của người khác ra sao.
Nếu dạo quanh thị trường có thể thấy phổ biến hai cách thức chọn lựa chính của chủ đầu tư hiện nay: theo túi tiền và theo xu hướng. Theo túi tiền là có giới hạn về giá cả và từ đó khoanh vùng nhóm vật liệu có thể chọn. Còn theo xu hướng là chọn trước các vật liệu trong một xu hướng đang thịnh hành, hoặc xu hướng mà gia chủ thích, phù hợp với nhà họ, rồi trong đó mới xét tiếp yếu tố giá cả. Làm nhà phát sinh nhiều nhất luôn nằm trong phần hoàn thiện, nên giá cả sẽ tác động không ít đến khả năng chọn lựa, Nhưng tôi khẳng định là nhiều vật liệu không mắc tiền mà dùng rất hiệu quả nếu biết phối kết. Trước hết là phối màu, bởi đa số người ta nhìn vô nhà là thấy màu sắc trước khi tiến lại gần hay chạm vào xem bề mặt ra sao. Phối màu thì có quy luật, cứ tuân theo các quy luật cơ bản hợp với mẫu nhà mình là an toàn, lâu lâu phá cách một chút cũng… không sao. Tiếp theo là phối chất, có các nhóm vật liệu khác về chất nhưng đi với nhau sẽ hợp, và ngươc lại, có vật liệu nhìn ngoài tiệm thấy đẹp nhưng khi phối với vật liệu khác lại không ổn. Tôi ví dụ như dù gia chủ ưa thích màu trắng thì không có nghĩa là toàn nhà trắng toát một màu, bởi trắng trên bề mặt láng sẽ khác trắng trên mặt xù xì, sàn lát đá trắng tạo cảm giác khác với tường lăn sơn gai trắng. Chưa kể đến vô số vật dụng, đèn trang trí, rèm cửa…có màu sắc và chất liệu khác để tạo nên một sự phối hợp toàn thể, nên cần tùy đối tượng mà tư vấn cho đúng ý.
TRẦN HUY THỐNG – KỸ SƯ XÂY DỰNG
TỪ QUAN NIỆM ĐẾN HÀNH XỬ
Tôi quan sát thấy vào khoảng chục năm trước, người tiêu dùng quen với nếp nghĩ rằng hoàn thiện tường là phải xài sơn nước, hoàn thiện sàn là lo lát gạch, nhìn lên trần là phải đóng thạch cao… Nhưng hiện nay mọi chuyện đã đổi khác cùng với công nghệ thông tin ngày càng phổ biến sâu rộng, chỉ cần “lướt, chạm” là gia chủ có thể tiếp cận vô số xu hướng, giải pháp xử lý không gian ở khắp nơi, sẵn sàng được chia sẻ từ các chuyên gia nghiêm túc đến các “chuyên gia bàn phím”, được tư vấn từ nhiệt tình vô tư cho đến có chủ đích tiếp thị sản phẩm, khiến ngay cả nhà chuyên môn nếu không “cứng cáp” sẽ rất dễ bị rối trí, lạc giữa rừng thông tin không rõ thực hư.
Có vẻ như chính các xu hướng trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa vật liệu của khá nhiều gia chủ. Mà xã hội thì lại thể hiện tâm lý đám đông khá phổ biến, ít ai dám “mạo hiểm” phối kết một dạng chất liệu hay chọn gam màu khác lạ so với đám đông nếu như công trình không phải thể loại độc lạ, kiểu quán xá hay văn phòng có màu sắc định vị thương hiệu riêng. Và do đó, vô tình bao nhiêu vật liệu phong phú bỗng trở nên thành ít ỏi, gia chủ cứ than thở giống như đứng trước tủ quần áo mà “hôm nay em không có gì để mặc!”. Bởi chọn vật liệu cho nhà mình mà cứ loanh quanh trong một vài kiểu cách quen thuộc, do bạn bè mách bảo, hoặc mấy ông thầu hay nói rằng “giờ này loại này đang được chuộng lắm nè”. Chính mấy ông thầu lười suy nghĩ khi thấy gia chủ và nhà thiết kế làm cái gì lạ lạ thì thường nói rằng “ai mà làm thế”. Bởi vậy gần đây tôi thích làm việc với gia chủ trung niên hơn, những người đã hiểu đời hiểu người, lại không bị mạng xã hội thu hút nên sẽ chín chắn hơn.
Có gia chủ khá ý thức được việc trét bột lăn sơn bụi bay mù mịt, hoặc cắt gạch ốp lát vương vãi khắp nơi, nên mong mỏi tìm kiếm vật liệu hoàn thiện sao cho sạch gọn nhanh bền, vật liệu hiện đại với cách thức thi công gọn gàng, giảm thiểu ô nhiễm nhất là đối với nhà sửa chữa, căn hộ chung cư. Quan niệm thế nào sẽ hành xử tương ứng, việc hoàn thiện nhà hiện nay không còn là độc quyền của giới xây dựng, mà có thêm các kiểu cách nghệ sỹ hơn, thủ công hơn hoặc mang tính cá nhân hơn. Ví dụ như việc vẽ lên tường hoặc phối vật liệu cũ để trang trí. Trong không gian cụ thể có mối quan hệ ba chiều, các bề mặt sẽ khác nhau khi sử dụng những kỹ thuật hoàn thiện khác nhau. Thay vì đi theo lối mòn và lệ thuộc vào một số chất liệu, giải pháp đã cũ, nhiều gia chủ hiện nay đã cùng nhà chuyên môn cập nhật, thử nghiệm, tạo nên không ít cách thức hoàn thiện khác lạ độc đáo, cũng có thể là “bình mới rượu cũ”, nhưng luôn là những câu chuyện sáng tạo đáng tham khảo. Và thời gian cùng với hiệu quả trong sử dụng sẽ là thuốc thử tốt để kiểm nghiệm, sàng lọc lại mọi giải pháp không gian, nhưng trước hết, hãy cứ vui với những thử nghiệm và chọn lựa khác biệt cho tổ ấm của mình.
Thực hiện: KTS LÊ HUY
Ảnh: VIỆT KHÔI