Vườn trong nhà

KHI KHÔNG CÒN ĐẤT LÀM VƯỜN

Đó là thực tế của phần lớn nhà ở trong đô thị. Những ngôi nhà phố, nhà ống và những căn hộ trong chung cư cao tầng không có, hoặc rất khó có thể có sân vườn theo kiểu truyền thống vì lý do cấu trúc, diện tích hạn chế. Ngay cả trong một số trường hợp đất xây dựng có đủ diện tích để làm vườn thì vườn cũng bị… hy sinh bởi nhu cầu diện tích sử dụng, kinh doanh lấn át.

Nhưng ở một góc độ khác, rất nhiều người vẫn thích vườn, muốn có vườn trong ngôi nhà của mình. Với nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, việc đưa vườn gắn liền với không gian nội thất là một thủ pháp để làm thiết kế hoàn thiện và hiệu quả thẩm mỹ cao hơn, cùng hiệu ứng tích cực về mặt vi khí hậu trong công trình.

Khi đưa vườn vào trong nhà, hay muốn có một mảng xanh ngay trong ngôi nhà, nên là một quyết định chắc chắn, có chủ đích ngay từ ban đầu, đồng bộ với việc thiết kế để vườn trong nhà thật sự có ý nghĩa, phát huy được hiệu quả, và có thể tồn tại lâu dài. Vườn phải được đặt thiết kế ở nơi thông thoáng, có tiếp xúc với môi trường bên ngoài, có ánh sáng tự nhiên,  có nắng trực tiếp; vườn phải tạo được những góc nhìn đẹp trong không gian, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ và môi trường. Đồng thời vườn trong nhà cũng phải ở những vị trí dễ dàng tiếp cận để chăm sóc thường xuyên.

NHỮNG NƠI CÓ THỂ LÀM VƯỜN TRONG NHÀ

Trong nhà rất nhiều chỗ có thể làm vườn, làm thành những khoảng xanh được. Nhưng nói chung, vườn trong nhà nên được làm ở những chỗ rộng, có nhiều điểm nhìn để tăng giá trị thẩm mỹ cho không gian nội thất. Bên cạnh đó vườn trong nhà cần ở những nơi có ánh sáng, thông thoáng tự nhiên, và có thể đón được ánh nắng, thường ở khu vực giếng trời, khoảng thông tầng, các khu vực hiên, lô gia, sân thượng…

Vườn  trong  nhà  ít  nhiều  có  khác vườn ngoài trời – đặc biệt là các điều kiện tự nhiên. Vì vậy cần căn cứ vào  các đặc điểm cụ thể của vị trí vườn mà lựa chọn kiểu vườn cho thích hợp. Ví   dụ cùng là vườn dưới giếng trời ở tầng trệt nhưng ở nhà 2 tầng lầu sẽ khác   nhà 4 tầng lầu (giếng trời càng cao thì càng hạn chế ánh sáng ở phía dưới “đáy giếng”,  ngoài  ra  còn  phụ  thuộc  vào  độ rộng  giếng  trời,  giếng  trời  có  mái,  bán mái  hay  là  hoàn  toàn  không  có  mái.  Với những khu vực trong nhà mà có đủ các điều  kiện  ánh  sáng,  thông  thoáng  như giếng  trời  rộng,  không  có  mái,  đủ  khối tích, chiều sâu đất trồng cây… thì hoàn toàn có thể tổ chức vườn như vườn ngoại  thất.

Với những vườn nằm dưới giếng trời sâu, nên chú ý khai thác ánh sáng theo phương ngang nếu  điều kiện thực  tế cho  phép.  Cũng  không  nhất  thiết  vườn là  phải  trồng  toàn  cây.  Có  thể  thiết  kế và sử dụng ở một dạng khác như bể cá cảnh, thác tràn, hoặc đơn giản hơn chỉ là một dạng vườn khô để trang trí. Việc quyết định làm theo hướng nào cần đánh giá điều kiện cụ thể của vị trí vườn, các giải pháp kỹ thuật thích ứng cũng như khả năng vận hành, chăm sóc của người sử dụng.

Những khu vực hiên, lô gia… cũng  có thể tổ chức thành vườn. Ưu điểm của những chỗ này là thoáng sáng, song nhược điểm là không đủ đất để trồng những cây lớn. Nên khai thác các loại cây hoa, cây leo có thể trồng trong chậu, vừa tăng thẩm mỹ, cảnh quan, vừa có tác dụng chắn nắng, chống nóng.

Sân thượng, mái là các khu vực lý tưởng để làm vườn và cũng có thể coi là vườn trong nhà vì nó nằm hoàn toàn trên diện tích xây dựng.

Có ưu thế diện tích rộng hơn nhiều so với các vị trí vườn khác trong nhà, lại ở trên cao nhiều nắng gió; vườn sân thượng, vườn trên mái chống nóng rất tốt, và có thể tổ chức thành những khu vườn thực sự đẹp, kết hợp với các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí.

Hiện nay, bên cạnh kiểu vườn trải trên mặt bằng truyền thống còn có công nghệ vườn trên mặt đứng, với một hệ thống kỹ thuật riêng biệt (cấu tạo khung, bộ phận chứa đất trồng cây, giống cây, quy trình tưới, chăm sóc…). Công nghệ vườn trên mặt đứng hiện đã có tại nước ta, được ứng dụng thực tế nhưng chưa rộng rãi (một phần do chi phí cao, chăm sóc phức tạp). Giải pháp này có thể đưa mảng xanh vào nhiều nơi trong công trình, với tính linh hoạt rất cao; nhất là đối với những công trình thiếu diện tích hoặc công trình… không có vườn trong nhà, mà muốn cải tạo bổ sung mảng xanh.

VƯỜN TRONG NHÀ, ĐƯỢC VÀ MẤT, DỄ VÀ KHÓ

Cái được của vườn trong nhà là nhiều. Đó là tăng giá trị thẩm mỹ nội thất, tạo nên sự sinh động trong không gian, là điểm nhấn thú vị; góp phần tạo nên môi trường vi khí hậu tốt cho môi trường sống. Với những vườn trong nhà trồng… rau, thì đây là một cái được rất lớn, đóng góp cho nhu cầu thực phẩm sạch của gia đình, có ý nghĩa hơn nhiều trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm đang là nỗi lo của người tiêu dùng, của toàn xã hội. Gần đây, rất nhiều người đã tự trồng rau trên những mảnh vườn “tự chế” ở trong nhà (thường  là ở sân thượng). Nếu như vườn dạng này được nghiên cứu thiết kế và tổ chức khoa học, bài bản, thì việc này còn hiệu quả hơn rất nhiều.

Làm vườn trong nhà sẽ phức tạp hơn ở một số vấn đề kỹ thuật xây dựng, như xử lý chống thấm, chống úng, cấp thoát nước (nếu như có bể cảnh, mặt nước). Mặc dù vườn trong nhà có quy mô rất nhỏ song việc chăm sóc lại đòi hỏi kỹ hơn, công  phu và tỉ mỉ hơn nhiều, nếu muốn cây cối được xanh tươi và vườn luôn đẹp.

Thông thường thì vườn trong nhà sẽ nằm kế bên những không gian sinh hoạt khác, có thể là phòng khách, phòng ăn, thậm chí là phòng ngủ, là những không gian nội thất sạch sẽ. Song vườn thì không thể sạch như vậy được, khi có cành gãy, lá rụng, thậm chí có thể có  côn trùng gây hại… ảnh hưởng tới vệ sinh của các không gian kia. Trong quá trình ở, không thể tránh được những việc phải làm như trồng cây, thay cây, bê chậu, đổ đất… ít nhiều đều gây khó khăn, phiền  hà, mất vệ sinh cho không gian chung,  lối  giao  thông,  cầu  thang  trong nhà  vốn sạch sẽ – nhất là vị trí vườn ở các tầng lầu, ở sân thượng, trên mái.

Khi  làm  vườn  trong  nhà,  dù  là  vườn ở giếng trời, vườn ở sân thượng hay vườn  trên  mái,  dù  trồng  cây  cảnh  hay trồng  rau,  ngoài  việc  có  một  thiết  kế tốt  để  vườn  có  thể  đẹp,  hệ  thống  kỹ thuật  vận  hành  hiệu  quả  và  an  toàn,  thì  bạn  hãy  cân  nhắc  xem  mình  có  đủ thời  gian  và  tình  yêu  đối  với  cây  trồng, vật  nuôi,  với  thiên  nhiên  không  nhé! Hãy  tránh  việc  làm  vườn  cảnh,  bể  cảnh mà  không  đầu  tư  thời  gian  chăm  sóc. Bởi  nếu  thiếu  bàn  tay  chăm  sóc,  thì chắc  chắn  bể  cảnh  sẽ  thành  ao  tù,  và rồi vườn cũng sẽ thành vườn xấu, vườn khô, vườn chết…; khi ấy là mất nhiều hơn  được!

Bài & Ảnh: Hà Thành